Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

                                                 Ăn Với Uống

Rối loạn ăn uống, hiểm họa với các VĐV

CHỦ NHẬT, 01/12/2013 18:24:56 (GMT+7)
TTO - Các VĐV thi đấu ở những môn thể thao đòi hỏi sự cạnh tranh cá nhân khốc liệt thường mắc phải một căn bệnh, đó là rối loạn ăn uống.

Các vận động viên điền kinh dễ mắc chứng rối loạn ăn uống - Ảnh: osaka.jp

Đây là một bệnh có nguồn gốc tâm lý, biểu hiện bằng việc người bệnh tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, dẫn đến những tác hại rất lớn về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo Reuters, những VĐV luôn phải tập luyện với cường độ cao, đòi hỏi các yếu tố về sức vóc, hình thể, sự khéo léo, nhẹ nhàng... thường dễ mắc phải căn bệnh này. Dưới đây là những môn thể thao mà các VĐV thường hay bị rối loạn ăn uống:
- Điền kinh
- Thể dục dụng cụ
- Bơi và lặn
- Đấu vật, thể hình
- Trượt băng, khiêu vũ nghệ thuật
Đây đều là những môn thể thao mà các VĐV nhiều lúc phải điều chỉnh chế độ ăn uống để ép cân. Điều này đôi lúc đi ngược lại với quy tắc tự nhiên. Quá trình tập luyện khi quá đói hoặc quá no đều có thể gây nguy hiểm đến mức chết người.
Dấu hiệu cảnh báo của một rối loạn ăn uống
- Bận tâm quá nhiều về thực phẩm và trọng lượng
- Ăn thường xuyên một mình
- Sử dụng thuốc nhuận tràng
- Cảm thấy muốn đi tắm trong hoặc sau bữa ăn
- Uống liên tục soda hoặc nước
- Tập thể dục quá mức
- Luôn luôn cảm thấy lạnh
Đặc biệt nguy hiểm với nữ giới
Những nghiên cứu đã cho thấy nữ giới, đặc biệt là các VĐV nữ dễ mắc phải căn bệnh rối loạn ăn uống hơn hẳn. Trong một khảo sát tại NCAA (Liên đoàn thể thao các trường đại học ở Mỹ và Canada), hơn một phần ba số VĐV nữ có các dấu hiệu mắc hội chứng chán ăn tâm thần.
Ngoài ra, căn bệnh rối loạn ăn uống cũng đặc biệt nguy hại với phụ nữ hơn, theo một sự phối hợp giữa ba bệnh lý thường gặp ở VĐV nữ, được gọi là “tam chứng” (female athlete triad), gồm sự rối loạn ăn uống, kinh nguyệt bất thường và loãng xương.
Trong đó một trong ba bệnh lý tồn tại sẽ dẫn đến sự xuất hiện của hai bệnh lý còn lại. Đây là lý do giải thích tại sao các VĐV nữ thường bị loãng xương, mặc dù trên lý thuyết chơi thể thao sẽ giúp phát triển cơ và xương. Ngoài ra, rối loạn ăn uống còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Giải pháp tốt nhất cho việc chữa bệnh rối loạn ăn uống đó là phải tuân theo chế độ ăn uống hợp lý do bác sĩ đặt ra.

Không có nhận xét nào: