Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013



MUỐN CÂY HUỆ NHUNG RA HOA ĐÚNG TẾT

       Huệ nhung (Amaryllis sp.) thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae). Theo một số “lão tướng” về hoa kiểng thì huệ nhung có nguồn gốc từ  Nam Mỹ và đã được du nhập vào nước ta từ Châu Âu vào nhữ
ng năm 60-70 của thế kỷ trước. Hiện ở nước ta có nhiều giống, có giống cho hoa mầu đỏ, có giống cho hoa mầu hồng, mầu vàng cam, mầu trắng... nhưng người chơi thường thích huệ nhung vì cánh hoa đỏ mịn như nhung, rất đẹp. Huệ nhung thuộc loại thực vật có thân giả (giống như củ hành tây). Khi già vỏ củ có mầu nâu nhạt, lá hình giải hẹp, thuôn nhọn, mọc đối nhau thành hai hàng xanh đậm. Cuống hoa tròn to, mọc lên từ nách lá (cao 20-30cm). Mỗi cành thường có 4 nụ hoa, từ khi nở đến khi tàn  khoảng 5-10 ngày, lúc đầu nở 2 nụ, vài ngày sau nở tiếp hai nụ còn lại. Khi hoa tàn, cắt bỏ cành rồi tưới 1/2 muỗng cà phê phân NPK, chăm sóc thêm 10-15 ngày sau cây sẽ ra thêm cành hoa mơi.
      Giống như những cây khác, muốn ra hoa huệ nhung cũng đòi hỏi phải có một thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Vì thế trong điều kiện tự nhiên, vào mùa khô cây huệ bị thiếu nước lá héo khô (chỉ còn lại thân giả), cây sẽ phân hóa mầm hoa, khi mùa mưa đến có nước, cây huệ sẽ ra lá và trổ hoa. Nắm được đặc tính này của huệ nhung, người chơi hoa sành điệu đã điều khiển cho cây ra hoa vào dịp Tết.
     Cách làm của họ như sau: sau khi trưng chơi huệ nhung vào những ngày đầu xuân thì đem trồng cây xuống đất vườn. Chăm sóc (bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh…) cho cây sinh trưởng tốt. Trong thời gian này tuyệt đối không được để cây bị khô hạn kéo dài, dễ làm cây bị héo khô, khi tưới nước trở lại cây huệ sẽ tự ra hoa (không theo ý muốn của người chơi). Đến tháng 10 âm lịch nhổ cây huệ lên cắt bỏ hết lá và rễ, đặt lên giàn phơi trong bóng mát (có thể nhổ cây đem phơi nắng nhẹ cho đến khi vỏ củ huệ đổi mầu như củ hành tây, thì cắt hết rễ và lá sau đó đặt lên giàn phơi). Nhớ không được để dưới đất ẩm hay phun tưới nước để cây ngừng tăng trưởng. Khi nào muốn củ huệ ra hoa thì đem trồng củ huệ vào trong chậu hay giỏ tre. Khi trồng chỉ cho đất phân ngập đến 1/2 củ (nếu phủ đất kín củ, củ dễ bị hư thối). Trồng xong, đặt châu cây vào chỗ mát, tưới nước đủ ẩm, khi nào thấy củ huệ nhú mầm lá hoặc mầm hoa (thường khoảng 15 ngay sau khi trồng) thì đưa chậu cây ra ngoài nắng.
     Muốn cho huệ nở hoa đúng vào dịp tết Nguyên đán, thì phải căn chính xác ngày đưa cây huệ từ giàn phơi xuống trồng vào chậu. Muốn căn chính xác được ngày này thì khi nhổ cây huệ từ vườn đem phơi phải lưu ý đến tình trạng sinh trưởng của củ huệ. Cụ thể là: khi nhổ nếu thấy củ huệ đã già, lá đã vàng uá và tàn lụi thì mầm hoa đã được tượng sẵn trong củ rồi, hoa sẽ nở sau khi trồng khoảng một tháng, gặp trường hợp này ta phải trồng cây huệ trở lại chậu vào đầu tháng 12 âm lịch. Nếu củ huệ còn non, lá đọt còn nhỏ và còn xanh thì sau khi được trồng trở lại vào châu cây huệ còn phải tiếp tục một thời gian nữa để ra thêm lá mới sau đó mới ra hoa, gặp trường hợp này cây huệ sẽ ra hoa trễ hơn khoảng nửa tháng so với trường hợp trên, do vậy phải trồng củ huệ trở lại chậu sớm hơn nữa tháng (vào khoảng rằm tháng 11 âm lịch) thì đến Tết cây mới cho hoa.
     Muốn cho cọng hoa ngắn, mập, hoa lớn, tươi sắc và lâu tàn phải đưa chậu hoa ra nắng và bón thêm phân kali. Sau khi trưng chơi trong mấy ngày Tết, khi hoa tàn lại đem cây ra trồng trở lại đất vườn, như đã nói ở trên, sẽ có hoa chơi vào Tết sang năm.

NGUYỄN DANH 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay quá. Nhà tôi có hoa này nhờ người bác tặng mà không biết chăm ra sao.
Cảm ơn

Pixellu SmartAlbums 2.3.3 New nói...

Bạn trồng chậu hay ngoài vườn?
Nếu là trồng chậu bạn cho chất trồng là vỏ cây cùng đất[thường]...không có vỏ cây thì thấy thân nhỏ cũng được.
Tỷ lệ thì tùy theo vùng miền,,,tuy nhiên theo mình thì khoảng 50/50 và trồng khoảng 1/2 củ xuống đất thôi.