Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Trở lại 'Với con', một thời lận đận
.
Bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số đầu tháng 6/1979. Xin chép lại theo trí nhớ và lời đọc của tác giả Thạch Quỳ:
.
Với con
.
Con ơi con, thức dậy giữa ban ngày
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua con đường đất đến con đường rải đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con, nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Vì thế nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi, trên ấy Ngân Hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hoặc đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu lên cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn to lên.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa ru con
Cha cày đất làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế những lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
.
Tháng 6/1979
.
Hồi ấy nhiều người chép tay chuyền nhau đọc thuộc lòng, bàn luận gần như là một thứ của cấm. Câu chữ trong bài là vậy nhưng có người “luận” ra: “Con” được hiểu là nhân dân; “Chim hót” được hiểu là Đài tiếng nói Việt Nam, rồi phân tích: Bài thơ “Khuyên dân” đừng mải mê mà nghe đài nói...
Tiếp tục suy diễn chủ quan, có người còn cho rằng bốn nhân vật: “mẹ”, “cha”,  “chú bộ đội”, “ bác công nhân” là thành phần trụ cột: Công - Nông - Binh - Trí thức cũng chưa đưa lại niềm tin...
Cứ theo cách hiểu như thế, bài “Với con” bị coi là có vấn đề và một cuộc họp đã diễn ra để kiểm điểm tác giả.
Nói thật, mất nghề
Chúng tôi đã tìm gặp lại nhà thơ hiện nghỉ hưu tại Đường Phong Định Cảng, TP Vinh, Nghệ An. Tôi gợi lại chuyện cũ: Thưa anh chuyện nói “Với con” của anh thời ấy chẳng biết... những “đứa con” đã lĩnh hội được gì qua lời dạy bảo... nhưng “ông bố” đã lắm phen lao đao? 
Nhà thơ Thạch Quỳ cười vui kể lại:
“Thời ấy đất nước vừa thoát ra từ những cuộc chiến tranh, nhiều người cứ thấy rằng chúng ta đã thắng lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc nên lý tưởng hóa cuộc sống cho rằng sau 15 - 20 năm đất nước và cuộc sống của người dân mình sẽ là thiên đường.
Hồi đó, nông dân thu hoạch mỗi ngày chưa được một lạng thóc, nhưng trong khi đó phải ăn một ngày ít nhất là hai lạng gạo. Công nhân, trí thức hầu hết ăn hạt bo bo; đến nỗi 9 chị em phụ nữ ngồi bình nhau một cái quần phíp; 10 cán bộ công nhân viên chia nhau một cái xích xe đạp…
Bài thơ “Với con” là nói với con cái trong nhà nhưng thực ra là muốn tâm sự với tất cả mọi người về hiện thực lúc đó. Khi viết bài thơ này tôi rất thận trọng vì đụng vào sự thật ấy là chuyện lớn, không đùa được.
Bài thơ ấy không viết bằng thơ mà được viết bằng Toán. Bởi vì Toán là chỉ có những mệnh đề khẳng định hoặc phủ định, chính xác, rõ ràng, minh bạch. Còn thơ là ý niệm, gợi mở, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Bài thơ được viết theo chủ nghĩa gián cách của Brếch (văn học Đức), là viết bằng đầu, nói bằng trí chứ không phải như thơ ca phương Đông là viết bằng cảm xúc gợi mở để cho người ta lĩnh hội “ý tại ngôn ngoại” đâu! 
Bài thơ này có hai tầng. Tầng một chẳng có vấn đề gì. Đó là những lời nói với con trong nhà và bám vào những chi tiết thực tế. Ví dụ: Con đi học thì đừng nhìn cây, nhìn cỏ, nghe chim hót mà chậm giờ... Còn nàng Bạch Tuyết con say mê đọc trong cổ tích cũng không thể thay việc chăm chút của mẹ con hàng ngày. Đằng nào rồi cũng phải mẹ thôi.
Hay là những chuyện như quả đất tròn, vầng trăng tròn mơ mộng cũng chưa cần thiết, cái quan trọng, gần gũi, thiết thực hơn vẫn là cái bánh đa vừng nuôi sống con người. Nghĩa đen chỉ như vậy.
Mọi vấn đề đều nằm ở tầng hai, nhưng ở tầng hai cũng không đơn giản, phân tích, phê phán chỉ tên tác giả, nếu “lơ mơ” sẽ thành suy diễn. Cho nên do cách hiểu áp đặt qua bài thơ, mọi việc bùng lên thành những chuyện phức tạp. Trong thời điểm bấy giờ sự cố ấy xẩy ra cũng là một lẽ tự nhiên thôi mà”.
Thạch Quỳ kể tiếp:
“Từ một bài thơ “Với con” nói chuyện trong nhà nhưng bị đưa ra cuộc họp cho là chống chủ trương, chính sách... Ở thời điểm đó, tôi thấy mình lâm vào hoàn cảnh nan giải phải nghỉ việc cơ quan.
Tôi không dám đến nhà ai, bởi đến đâu, gặp ai cũng có thể gây phiền. Tôi sắm một cái cần câu, từ sáng sớm đi lang lang ra hồ Thạch, cuối chiều thì về. Câu cá mãi mấy tháng liền cũng chán, trong người thấy quá mệt mỏi.
Nhân lúc có việc nhà, tôi đã lên tàu ra Hà Nội. Mới sáng sớm chưa rõ mặt người đến nhà người em trai đang là cán bộ giảng dạy, mới nằm khoảng 15 phút đã có tiếng gõ cửa. Một anh công an khu vực đã đến kiểm tra hộ khẩu. 
Thạch Quỳ kể với ngữ điệu buồn buồn.
Tôi gợi lại một chuyện liên quan: “Hồi ấy nhà thơ Xuân Diệu về Nghệ Tĩnh, tại buổi giao lưu ở Hội Văn nghệ có người hỏi về bài thơ “Với con” của anh, Xuân Diệu nhận xét: “Chuyện tiếp nhận văn chương trái ngược nhau ở đâu mà chẳng có, việc đấu đá nhau cũng là lẽ thường tình, có điều là sân hẹp nên các hiệp đấu diễn ra tất yếu là căng thẳng và dữ dội hơn...”.
Nhà thơ Thạch Quỳ lý giải thêm: 
“Vì bài thơ ấy đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam nên nhiều người ở Hà Nội đều biết. Ở Hà Nội dư luận có hai chiều. Nhiều người nói rằng bài thơ ấy cũng bình thường, chẳng cần phải làm to chuyện lên như trong này.
Sau đó Hội Nhà văn đã cử một đoàn 6 người vào tổ chức một hội thảo văn học. Đưa thêm một số tác giả như Hồng Nhu, Bá Dũng, Xuân Hoài... ra để cùng thảo luận, đánh giá.
Bản thân tôi được một số nhà văn nhắc đến nhiều tác phẩm đã viết trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và khẳng định tư tưởng các tác phẩm ấy đều phục vụ cách mạng. Không ai đào sâu vào bài thơ “Với con” nữa...
Cuối năm 1980, báo Nhân Dân đã in lại bài thơ “Với con” kèm theo cả ảnh và tiểu sử tác giả. Bầu không khí xung quanh bài thơ ấy loãng dần ra nhưng bản thân tôi vẫn tiếp tục gặp nhiều phiền toái.
Vì mãi đến năm 1988, Hội nhà văn Liên Xô mới có giấy mời Hội Nhà văn Việt Nam cử một đoàn 10 người sang học tập và tiếp thu tinh thần đổi mới. Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu kín chọn những người có tinh thần đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tôi được chọn làm một trong số 10 nhà văn được sang Liên Xô học.
Nhưng vấn đề là việc khai lý lịch để làm hộ chiếu. Vượt qua cửa ải này không phải là chuyện dễ. Cơ hội để xuất ngoại cứ ngỡ như không bao giờ thành hiện thực...”.
Cái bóng ám ảnh và tấm lòng nhân văn
Nhà thơ Thạch Quỳ kể tiếp:
“Tôi lên gặp anh Toàn, chiến sĩ công an phụ trách. Xưa nay tôi làm việc ở Hội Văn nghệ, không biết bên công an. Bây giờ có công văn cho sang học ở Nga, tôi đến hỏi anh về việc làm hộ chiếu... có khó khăn gì không?
Anh Toàn im lặng một lúc rồi trả lời: Chuyện của anh một thời như thế. Bây giờ nếu đưa vấn đề này lên cấp trên thì tôi tin họ sẽ không giải quyết. Vì vậy để tôi suy nghĩ thêm, có cách gì đó sẽ trao đổi lại với anh sau.
Biết mình đã rơi vào cảnh “có vấn đề” về nhân thân, tôi đã bộc bạch tâm tư và nhờ anh Toàn giúp đỡ.
Hôm sau tôi lên gặp, anh Toàn nói:
Đúng là có nhiều báo cáo về anh, một số không tốt lắm, cho nên bây giờ rất khó khăn. Chỉ có một cách nói lại là: Nguồn tin cho các báo cáo đó không chính xác, không đúng với bản chất một người trước đây từng là thầy giáo dạy Toán ở nhiều trường cấp ba và trường sư phạm, sau đó là một nhà thơ.
Nay tôi viết tường trình báo cáo ấy là sai, tôi xin chịu trách nhiệm về sự cả tin của mình. Chỉ có như vậy mới đảo ngược tình thế, có thể tạo điều kiện cho anh... Và quả thật tôi thấy anh cũng chẳng có gì xấu”.
Nghe anh Toàn nói vậy, tôi cảm thấy đồng chí công an này có tấm lòng thật lớn lao, lâu nay tôi đã có cách nhìn khác về anh, bây giờ tiếp cận với sự thật mới thấy anh ta thật dũng cảm, độ lượng và nhân văn.
Anh Toàn đã làm văn bản và lên trình bày lên cấp trên. Thủ trưởng cơ quan anh chấp nhận. Trước lúc tôi lên đường sang Liên Xô, công an còn đến tặng quà…
Nhân lúc anh dừng giọng, uống nước tôi hỏi tiếp:
- Sau tai nạn nghề nghiệp ấy anh có rút ra được bài học gì? Những sáng tác của anh sau này theo hướng nào?
Nhà Thơ Thạch Quỳ lại tiếp tục triết luận:
“Bài thơ “Với con”, thời đó tôi dám viết lên sự thật, tôi không tính thiệt hơn, được gì, mất gì cho bản thân. Ở thời điểm nào cầm bút viết, thì tôi cũng phải viết những vấn đề bức xúc mà cuộc sống dội vào. Tôi đã không đầu hàng khi đã nhận thức ra bản chất của sự việc. Đó không riêng là nỗi bức xúc của cá nhân mà là sự thúc bách của thời đại, phải khơi dòng mở đường cho sự phát triển.
Hầu hết các vấn đề tôi viết đều là những bức xúc của đời sống, bài nào cũng mang những câu hỏi lớn cần được trả lời. “Với con” không phải là bài thơ hay vì nó được viết bằng Toán.
Là một nhà văn đối diện với cuộc sống, thấy vấn đề gì bức xúc, tôi dồn tâm huyết vào để góp phần tháo gỡ những vấn đề cho toàn dân chứ không phải chỉ là những vui buồn nhỏ của riêng mình.
Cao hứng lên Thạch Quỳ đọc một mạch mấy bài thơ, trong bài nói về mưa có câu: “Ngàn năm mưa hãy còn mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào...”. 
Bốn câu thơ trong bài nói về Galilê gây cho tôi ấn tượng khá đậm:
“...Galilê nói rằng quả đất tròn
Thời ấy một mình ông nói thế
Nếu nhân loại đem ra mà biểu quyết
Thì cả hành tinh chống lại một con người...
Ngừng đọc thơ, Thạch Quỳ nói như là một sự đúc kết: Còn bao nhiêu vấn đề thơ ca đã nói đến nhưng cuộc sống không dễ làm…

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Năm mẫu xe máy được mong chờ nhất năm 2014

Bất cứ ai cho rằng chỉ cần tiền là có thể mua được những chiếc xe máy được mong chờ nhất năm 2014 hẳn là chưa thử đi mua xem thế nào. Nếu bạn có ý định phô trương thanh thế với một chiếc mô tô hai bánh trong năm nay, hãy bảo đảm bạn đủ “tầm” để điều khiển được chúng. 

Ducati Monster 1200S

Ducati-Monster-1200s-All-Rights-Reserved-By-The-BikeStig-Flickr
© The BikeStig/Flickr
Giá xe: 456 triệu đồng
Không ai là không biết tới Ducati Monster, mẫu xe đã mở ra một trào lưu mới hồi năm 1993 và đã cứu hãng Ducati thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Nhân dịp kỉ niệm sinh nhật của mẫu xe này, hãng xe từ Bologna đã chế tạo phiên bản 2014. Đó là một quái thú gầm gừ có công suất lên tới 145 mã lực.
Nhận xét: Bạn cần phải có sự gan góc tuyệt đối để có thể chế ngự cỗ máy cuồng nộ này.

Harley Davidson Street 750

1-Harley-Davidson-Street-750-All-Rights-Reserved-By-Motor-Trend-India-Fl...
© Motor Trend India/Flickr
Giá xe: 158 triệu đồng
Harley Davidson giờ đang bắt đầu cho ra mắt một loại động cơ mới nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ. Dù vậy, đó vẫn là một mẫu xe rất Harley với động cơ V-twin 749cc, cho phép bạn có thể lướt như bay với tốc độ ba con số.
Nhận xét: Hãy nổ máy với sự tự tin tuyệt đối!

Suzuki V-Strom 1000

2-Suzuki-V-Strom-1000-All-Rights-Reserved-By-Revistadelmotor-Flickr
© Revistadelmotor/Flickr
Giá xe: 268 triệu đồng
Mẫu xe được thiết kế lại này được trang bị động cơ 1.037cc, cho phép xe lướt trên đường một cách nuột nà. Đây là mẫu xe đầu tiên của Suzuki được trang bị tính năng kiểm soát lực kéo và công suất được tăng lên 99 mã lực tại 8.000 vòng/phút.
Nhận xét: Đây là mẫu xe lý tưởng cho những kẻ muốn có một cuộc phiêu lưu theo phong cách V-twin.

KTM RC390

KTM-RC390-All-Rights-Reserved-By-AutoMotoPortal-Flickr1
© AutoMotoPortal/Flickr
Giá xe: 174 triệu đồng
Đây là một mẫu xe thể thao mạnh mẽ và tốc độ. Được trang bị động cơ một xi-lanh 375cc, chiếc xe có thể “chinh chiến” trên những con đường cao tốc cho tới những con đường làng. Hi vọng là chiếc xe này sẽ được cho ra mắt vào cuối năm nay.
Nhận xét: Nếu bạn muốn thể hiện cá tính thể thao của mình, đây sẽ là sản phẩm lý tưởng cho bạn.

EBR 1190RX

EBR-1190RX-All-Rights-Reserved-By-AutoMotoPortal-Flickr1
© AutoMotoPortal/Flickr
Giá xe: 400 triệu đồng
Thiên tài mô tô Erik Bruell đã chế tạo một trong những mẫu xe máy ấn tượng nhất năm nay. Mẫu EBR 1190RX được ra đời tiếp nối mẫu RS chỉ được xuất xưởng 35 chiếc và có giá lên tới hơn 1 tỷ đồng. Mẫu xe mới này đã được tối ưu hóa cho sản xuất hàng loạt và được thiết kế phục vụ những màn trình diễn đỉnh cao với động cơ T-Twin EV-V2 1190cc có thể lướt gió với 185 mã lực.
Nhận xét: Hãy phô trương thanh thế với sức mạnh của mình!

Nhận xét về những mẫu xe của năm nay, Stuart Thomas, phóng viên kì cựu của Motorburn.com cho rằng: “Với những phấn khích về công nghệ được trang bị cho ô tô, người ta dễ dàng quên rằng xe mô tô cũng đang được cải tiến với tốc độ nhanh không kém. Người ta cũng dễ dàng quên mất rằng nhu cầu và khao khát của những người đam mê xe mô tô cũng đa dạng không kém gì những người bạn hâm mộ xe bốn bánh.”
Trong khi những thương hiệu được yêu thích như Ducati và KTM đang trông chờ vào những phiên bản mới của các mẫu xe có sẵn tên tuổi để giữ vững được vị trí của mình thì Suzuki và Harley Davidson lại tập trung sưc lực vào những mẫu xe được thiết kế lại hoàn toàn. “Những hãng nhỏ hơn như Erik Buell Racing (EBR) đang kì vọng bán được một sộ lượng xe nhỏ cho những đối tượng khách hàng giàu có. Hi vọng các mẫu xe Nhật có được một doanh số bán hàng ấn tượng.” Thomas nói thêm.